Tin tức Tin tức

Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển"
Ngày đăng 27/06/2020 | 17:27  | Lượt xem: 14525

Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” do thành phố Hà Nội tổ chức sáng nay, 27-6, thành công tốt đẹp là minh chứng sinh động cho quyết tâm của Hà Nội không chỉ tiên phong, gương mẫu và chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19, mà còn cả trên mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế.

Tặng cờ thi đua, bằng khen cho các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 4 doanh nghiệp, tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 5 doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong công tác an sinh xã hội và nộp ngân sách Nhà nước.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã tặng Cờ thi đua của thành phố cho 9 doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong lĩnh vực thuế, an sinh xã hội.

Trao 38 biên bản ghi nhớ

Tại hội nghị, đã diễn ra lễ trao 38 biên bản ghi nhớ của thành phố Hà Nội với các đối tác trong và ngoài nước. Tổng giá trị các biên bản ghi nhớ khoảng 28,67 tỷ USD, trong đó có 12 biên bản ghi nhớ có vốn đầu tư nước ngoài với trị giá khoảng 8,32 tỷ USD; 26 biên bản ghi nhớ có vốn của nhà đầu tư Việt Nam với giá trị khoảng 20,35 tỷ USD.

Trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án

Sau khi xem xét đề xuất của các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và yêu cầu thực tiễn của Thủ đô, tại hội nghị, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng.

Trong số này có 100 dự án trong nước, với số vốn 227.499 tỷ đồng (vốn tăng thêm 192.215 tỷ đồng); 22 dự án đầu tư FDI với số vốn 5,7 tỷ USD, vốn tăng thêm 3,4 tỷ USD; 107 dự án đầu tư công.

Tổng số dự án, số vốn tăng được trao quyết định chủ trương đầu tư tại hội nghị năm nay lần lượt tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với hội nghị năm 2016. Các dự án đầu tư năm nay tập trung vào các lĩnh vực: cụm công nghiệp; nhà ở xã hội; khu đô thị; du lịch - dịch vụ; trụ sở văn phòng; văn hóa - xã hội; tài chính - ngân hàng; hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông…

229 dự án được chia làm 3 nhóm: Nhóm các dự án được trao quyết định chủ trương tại hội nghị gồm 103 dự án với tổng số vốn 250.154 tỷ đồng; nhóm các dự án được trao quyết định ghi nhận đề xuất tại hội nghị có 19 dự án, với tổng số vốn 109.849 tỷ đồng; nhóm 107 dự án đầu tư công của thành phố đang được 5 ban quản lý dự án chuyên ngành của thành phố và các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt với số vốn 45.567 tỷ đồng.

Quyết tâm thực hiện 100% số dự án được trao chứng nhận đầu tư

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, thành công của hội nghị không chỉ thể hiện ở các dự án được trao chứng nhận đầu tư, các biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết, mà lớn nhất là thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác, đầu tư phát triển. Hội nghị có ý nghĩa biểu tượng lan toả mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

 “Đây không chỉ là cơ hội hợp tác giữa thành phố Hà Nội với các nhà đầu tư, mà hội nghị còn là nơi để tăng cường hợp tác phát triển giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước, các cơ quan, tổ chức quốc tế...”, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ nói.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội đưa vào thực hiện được  60% số dự án được trao chứng nhận đầu tư tại hội nghị, nhưng thành phố phấn đấu sẽ thực hiện 100% số dự án được trao chứng nhận đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm của thành phố, của các quận, huyện, thị xã; các dự án liên kết Hà Nội với các tỉnh, thành phố; các dự án giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn Thủ đô như chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông, xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường; các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề...

Nhấn mạnh Hà Nội sẽ tập trung tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt bằng sản xuất để thu hút các nhà đầu tư, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ chia sẻ: Có câu “Muốn đón được đại bàng thì phải có tổ lớn, muốn có cá to thì phải có ao sâu”, Hà Nội sẽ chuẩn bị thật tốt để có thể thu hút được những nhà đầu tư lớn; đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư vừa và nhỏ... Ngoài ra, sau hội nghị này, thành phố sẽ tiếp tục chủ động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước mạnh mẽ hơn nữa để lựa chọn được các nhà đầu tư phù hợp, có công nghệ tiên tiến, các dự án sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, các dự án sẵn sàng kết hợp với doanh nghiệp Việt Nam để tạo ra các chuỗi cung ứng toàn cầu...

“Phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; quyết tâm phấn đấu xây dựng thành phố xanh, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; đến năm 2025, trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030, trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh quốc tế, có thu nhập bình quân đầu người đạt từ 13.000 -14.000 USD; đến năm 2045, trở thành thành phố của nước Việt Nam phát triển, thành phố toàn cầu có thu nhập cao. Đây là chiến lược rất tham vọng và nhiều thách thức, nhưng thành phố sẽ quyết tâm thực hiện bằng những nỗ lực ngay từ bây giờ”, Bí thư Thành ủy khẳng định.

Trước mắt, thành phố sẽ tập trung thể chế hóa các cơ chế đặc thù; về dài hạn, thành phố sẽ tổng kết và kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Thủ đô; kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phù hợp với yêu cầu phát triển; tập trung phủ kín quy hoạch phân khu trên địa bàn, trong đó có quy hoạch phân khu sông Hồng.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương; sự tham vấn kinh nghiệm, công nghệ, giải pháp của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư, doanh nhân, các chuyên gia trong nước và quốc tế; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông... Bí thư Thành ủy Hà Nội tin tưởng, các cấp, các ngành thành phố cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư đoàn kết, cùng nhau thi đua để kết quả của hội nghị sớm phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và đất nước.

Hà Nội cần vươn tầm cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nghị lần này của Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế toàn cầu bị đứt gãy nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam có mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng vẫn là mức tăng trưởng cao nhất ở khu vực châu Á.

“Tại hội nghị này, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhìn rộng hơn là cả vùng Thủ đô, đã có những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước không chỉ bởi môi trường chính trị, xã hội ổn định, mà còn là môi trường an toàn trong phòng, chống dịch bệnh; chính quyền thành phố sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ dám làm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hội nghị ''Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển'' đã nhấn mạnh nội hàm hợp tác phát triển với quan điểm hợp tác được đề cao, hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, Nhà nước và người dân trong tầm nhìn dài hạn. Đây cũng là quan điểm quan trọng trong thu hút đầu tư của Việt Nam và Hà Nội. Hội nghị lần này cũng là định hướng để thực hiện cụ thể hơn Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

“Quan điểm trước đây “Hà Nội không vội được đâu” giờ đã lạc hậu, đã cũ, bởi Hà Nội ngày nay tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tích cực tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Hà Nội đã tôn vinh doanh nghiệp; hợp tác tháo gỡ bất cập, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhờ sự năng động của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị, Hà Nội đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều dự án quy mô lớn”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, với vị thế mới của mình, Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, mà trong dòng chảy lịch sử hơn 1000 năm của mình, ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc ta.

Vì vậy, giờ đây, Hà Nội không còn đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương khác trong nước, mà phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực. Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, câu trả lời trước hết là Hà Nội phải đạt “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong phát triển. Bàn về yếu tố “thiên thời”, theo Thủ tướng, chưa bao giờ có nhiều thể chế tốt cho Hà Nội như hiện nay. Hội nghị là cơ hội để Hà Nội tìm “cổ đông chiến lược” để phát triển, đồng thời là nơi để các doanh nghiệp đặt niềm tin và phát triển vùng đất rồng bay này.

Nhấn mạnh “nhân hòa” chính là yếu tố then chốt nhất của Hà Nội, Thủ tướng khẳng định, hơn 20 năm trước, Hà Nội được vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”. Đây chính là giá trị 'nhân hòa" của Hà Nội. Với những giá trị của niềm tin và hy vọng, ứng xử và tinh thần Hà Nội trong dịch Covid-19, sau hơn 20 năm, Hà Nội tiếp tục khẳng định xứng đáng với danh hiệu đó. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, để tiếp tục toả sáng giá trị "nhân hòa", Hà Nội phải làm tất cả để bật ra được hình ảnh trong trí nhớ và trái tim mọi người về “Thành phố Vì hòa bình”; xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đẹp; nuôi dưỡng giá trị đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp...

Đang tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam

Đại diện Tập đoàn Dell Technologies nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia chiến lược trong hoạt động đầu tư của tập đoàn. Những hoạt động hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ban, ngành thời gian qua đã tạo điều kiện cho tập đoàn nghiên cứu, trở thành một trung tâm kỹ thuật.

"Chúng tôi đã xuất khẩu hơn 1 triệu thiết bị được lắp đặt tại tỉnh Vĩnh Phúc. Việt Nam tiếp tục là một địa điểm chiến lược với Tập đoàn Dell Technologies toàn cầu về tiếp cận hậu cần. Chúng tôi mong muốn hướng tới giai đoạn phát triển tiếp theo và đang tìm kiếm, nghiên cứu tìm hiểu về nhà cung cấp tại Việt Nam", đại diện Tập đoàn Dell Technologies cho biết.

Hà Nội trở thành điểm đến quan trọng về vốn đầu tư toàn cầu

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hùng Ba chúc mừng Việt Nam đã ứng phó, giành được những thành quả to lớn trong kiểm soát dịch Covid-19. Đặc biệt, đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong nào vì Covid-19. Đây là thành quả rất đáng kể trên phạm vi toàn cầu, thể hiện sự lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam.

Trong quá trình đó, Trung Quốc và Việt Nam đã hỗ trợ lẫn nhau. Trung Quốc đã vượt qua nhiều khó khăn, giành được những thành quả to lớn trong phòng, chống dịch và đang khôi phục kinh tế, nhưng đang đối mặt với khó khăn, đặc biệt là chuỗi cung ứng bị tác động bởi đại dịch. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các quốc gia ứng phó với khó khăn này.

Những tháng đầu năm nay, kinh tế khu vực và toàn cầu gặp nhiều khó khăn, nhưng quan hệ thương mại Trung Quốc và Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng. Với ASEAN, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, và Việt Nam đã phát huy vai trò trong thành quả đó khi thương mại Trung Quốc - Việt Nam chiếm khoảng 25,8% trong kim ngạch Trung Quốc - ASEAN. Hà Nội là trung tâm kinh tế quan trọng của Việt Nam. Hà Nội cũng như Việt Nam đã trở thành điểm đến quan trọng về vốn đầu tư toàn cầu, bao gồm vốn từ Trung Quốc. Đại sứ Hùng Ba một lần nữa chúc mừng Hà Nội và Việt Nam vượt qua đại dịch thành công, đạt được mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tin tưởng vào mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có tiến triển mới.

Tin tưởng Hà Nội sẽ tận dụng được cơ hội mang tính lịch sử

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho rằng, để phát huy hiệu quả Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, giúp Hà Nội phục hồi kinh tế nhanh chóng, thành phố nên khuyến khích nhân sự các công ty nước ngoài sớm quay trở lại Việt Nam. Nhật Bản sẵn sàng đẩy nhanh hơn nữa việc đưa người lao động Nhật Bản trở lại Hà Nội và Việt Nam.

Đại sứ cũng đề nghị Việt Nam triển khai nhanh các gói hỗ trợ các doanh nghiệp và đẩy nhanh các dự án đầu tư phát triển hạ tầng. Nhật Bản sẵn sàng cung cấp vốn ODA đáp ứng tiến độ của các dự án đã ký kết.

Đại sứ hoan nghênh Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), xây dựng môi trường pháp lý ngày càng thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư và bày tỏ mong muốn, Việt Nam sẽ nỗ lực để nâng cao mức độ tín nhiệm quốc gia từ BB sang BBB.

“Đại dịch Covid-19 là thách thức to lớn, nhưng cũng mở ra cơ hội mang tính lịch sử đối với Hà Nội và Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng lớn lao rằng, hội nghị này sẽ là cột mốc quan trọng, giúp Hà Nội tận dụng được những cơ hội lịch sử đang hiển hiện trước ngưỡng cửa”, Đại sứ Yamada Takio nói.

(trích nguồn: hanoimoi.com.vn)

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nói chung và Đoàn Thanh niên Sở nói riêng vinh dự được đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố tin tưởng, giao trọng trách dàn dựng, thiết kế 72 pano giới thiệu về các thành tựu trong mọi mặt công tác, các dự án, ý tưởng đề xuất quy hoạch...trong 5 năm qua (2016-2020) để trưng bầy tại tiền sảnh Hội nghị.

Một số hình ảnh hoạt động của Sở tại Hội nghị