TIn nổi bật TIn nổi bật

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố Chương trình Phát triển đô thị và Quy chế quản lý Kiến trúc Thành phố Hà Nội
Ngày đăng 13/01/2025 | 16:26  | Lượt xem: 135

Chiều 13/01/2025, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố Quy chế quản lý kiến trúc Thành phố Hà Nội và Chương trình phát triển đô thị Thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn chủ trì hội nghị.

Thực hiện các quy định của các Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc, các Nghị quyết số 06 năm 2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch xây dựng quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, Nghị quyết số 15 năm 2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, các Nghị quyết của UBTV  Quốc Hội về phân loại đô thị, Nghị quyết số 148/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06/2022 của Bộ Chính trị, Nghị định số 11/2013 và số 35/2023 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị, Nghị định số 85/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc, các quyết định của Thủ tướng CP phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, Kế hoạch phân loại hệ thống đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030, Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, Định hướng quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam.., các chương trình của Thành ủy, nghị quyết của HĐND và Kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội, căn cứ các nội dung đề nghị tại các tờ trình và báo cáo của Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Viện QHXD Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt và ban hành 02 nội dung quan trọng liên quan đến công tác quản lý phát triển đô thị của Thành phố, đó là Quyết định số 6809/QĐ-UBND ngày 31/12/2024 phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Thành phố Hà Nội đến năm 2035 và Quyết định số 73/2024/QĐ-UBND ngày 31/12/2024 phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc Thành phố Hà Nội.    

Chiều ngày 13/01/2025, tại trụ sở UBND Thành phố đã long trọng tổ chức Lễ công bố Chương trình Phát triển đô thị Thành phố Hà Nội đến năm 2035 và Quy chế quản lý Kiến trúc Thành phố Hà Nội.

Quang cảnh Hội nghị công bố Chương trình Phát triển đô thị và Quy chế quản lý Kiến trúc Thành phố Hà Nội (nguồn ảnh: kinhtedothi.vn)

 

Chương trình phát triển đô thị Thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035 bao gồm tập hợp các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án, dự án nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị của từng giai đoạn, theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính, được định hướng là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; có quy mô tầm cỡ thế giới với hội nhập các giá trị bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống đặc trưng, trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, với mục tiêu phát triển đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, đáng sống; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả thúc đẩy vùng phát triển, là một trong những trung tâm kinh tế - giao dịch - du lịch và thương mại của khu vực và châu Á - Thái Bình Dương.

Chương trình xác định mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt 65% - 70%, tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng hiện đại đạt 30%. Đến năm 2045, Hà Nội trở thành Thủ đô văn hóa, đô thị thông minh, sinh thái, trung tâm tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của châu Á và quốc tế, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 75%, tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng đạt 50%.

Chương trình đã xác định chỉ tiêu phát triển đô thị theo từng giai đoạn 05 năm và 10 năm; cụ thể hóa từng năm trong giai đoạn 05 năm đầu; các Chương trình, dự án đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên và kiến trúc cảnh quan đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị; Các Chương trình, kế hoạch phát triển các khu vực được xác định theo Quy hoạch chung đô thị, các khu vực phát triển đô thị để tập trung đầu tư hình thành đồng bộ hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị theo từng giai đoạn cho các quận và các khu vực dự kiến thành lập quận.

Chương trình cũng đã xác định cụ thể các chỉ tiêu đô thị, trong đó đã xác định các chỉ tiêu đạt chuẩn, cũng như các tiêu chuẩn đang còn thấp hơn mức tối thiểu hoặc đạt nhưng ở mức thấp (theo tiêu chuẩn phân loại đô thị tại thời điểm lập Chương trình và theo tiêu chuẩn phân loại đô thị dự kiến) được ưu tiên chú trọng đầu tư hoàn thiện, với các dự án đầu tư xây dựng cụ thể tại 05 huyện dự kiến thành lập quận; xác định các nguồn lực thực hiện từ ngân sách Nhà nước và từ khu vực tư nhân, khai thác các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, các quỹ đầu tư; huy động từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính. Bên cạnh đó, thành phố sẽ khai thác hiệu quả tài sản đất đai, thực hiện các dự án phát triển đô thị để gia tăng nguồn thu ngân sách; khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp và các giải pháp công nghệ mới phát triển bền vững..

Chương trình được duyệt là căn cứ để các Sở ngành, UBND cấp Huyện tổ chức thực hiện:

- Rà soát, đánh giá, phân loại các dự án trên địa bàn;

- Cập nhật các dự án đủ điều kiện tiếp tục triển khai vào Kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị;

- Điều chỉnh Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lồng ghép các nội dung của Chương trình phát triển đô thị, Hồ sơ khu vực phát triển đô thị đã được phê duyệt vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm trên địa bàn;

- Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nông thôn; tổ chức thực hiện và tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn, và định kỳ báo cáo UBND Thành phố.

Về Quy chế quản lý kiến trúc Thành phố, trên cơ sở định hướng quản lý phát triển đô thị Hà Nội nói trên, cũng như các yêu cầu của Luật Kiến trúc, các quy định và hướng dẫn tại Nghị định số 85, Quy chế xác định các mục tiêu quản lý cảnh quan trong phát triển đô thị, nông thôn và kiến trúc các công trình xây dựng theo quy hoạch được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa dân tộc, đặc trưng kiến trúc Thủ đô Hà Nội, cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng để quản lý kiến trúc đô thị Hà Nội và của từng khu vực;

Quy chế được duyệt là căn cứ quan trọng để các cơ quan chuyên môn về quy hoạch, xây dựng đô thị, giao thông của Thành phố triển khai thực hiện các công tác tham mưu về quản lý phát triển cảnh quan kiến trúc và xây dựng đô thị, nông thôn;

Đồng thời là một trong những công cụ quan trọng để các UBND các cấp trên địa bàn Thành phố Hà Nội quản lý cảnh quan đô thị và cấp phép xây dựng theo phân cấp, thay thế cho các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc trên địa bàn Thành phố đã được phê duyệt trước đây.

Đồng chí Dương Đức Tuấn-Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Để triển khai thực hiện các mục tiêu, nội dung của Chương trình phát triển đô thị Thành phố Hà Nội đến năm 2035 và Quy chế quản lý kiến trúc Thành phố Hà Nội đã đặt ra, tại Hội nghị, UBND Thành phố đã giao các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ, Viện QHXD Hà Nội cùng các cấp, các ngành và các chính quyền địa phương trên địa bàn Thành phố cần khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tổ chức thực hiện tại chương trình và quy chế, trong đó cần lưu ý các nhiệm vụ chính như sau:

Về Chương trình phát triển đô thị: Trong quá trình phát triển đô thị, phần các Phụ lục, Danh mục cụ thể của Chương trình cho phép được đề xuất cập nhật, bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu thực tế phát sinh (nếu có) trong các giai đoạn thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050, Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định. Rà soát, tham mưu, đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính đô thị, mô hình quản lý chính quyền các cấp đối với Thành phố và các Thành phố trực thuộc Thủ đô trong tương lai, phương án điều chỉnh địa giới hành chính (nếu có) đối với các địa phương có một phần nằm trong khu vực phát triển đô thị nhưng không đủ điều kiện để đầu tư xây dựng thành quận. Các Sở, ngành liên quan có trách nhiệm đề xuất các chương trình, kế hoạch phát triển ngành và phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035.

Về Quy chế quản lý kiến trúc: Rà soát, lập kế hoạch triển khai lập các đồ án thiết kế đô thị riêng các tuyến phố, các khu vực có ý nghĩa quan trọng về kiến trúc, cảnh quan của Thành phố. Sớm hoàn thành công tác tổ chức lập Danh mục công trình kiến trúc có giá trị và các quy chế, quy định quản lý quy hoạch và kiến trúc có liên quan.

UBND TP Hà Nội đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục phát huy vai trò chủ động, phối hợp, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, quản lý phát triển đô thị đạt được nhiều kết quả và công quan trọng, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển, văn hiến, văn minh, hiện đại, trong tiến trình hướng tới kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.