TIn nổi bật TIn nổi bật

Hội đồng Nhân dân Thành phố thông qua chủ trương Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội
Ngày đăng 02/07/2024 | 15:51  | Lượt xem: 154

Sáng 1-7, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc kỳ họp thứ mười bảy-kỳ họp giữa năm (diễn ra từ ngày 01-04/7/2024) để xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền. Tham dự kỳ họp có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; lãnh đạo đại diện các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố…

Phiên họp thứ mười bảy, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI. Nguồn ảnh: Hanoimoi

 

Theo chương trình kỳ họp đã được thông qua, kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố sẽ xem xét 17 báo cáo và thông qua 22 Nghị quyết. Căn cứ nội dung được phân công chuẩn bị, trình bày tại Chương trình kỳ họp thứ 17 HĐND Thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, tại buổi chiều ngày làm việc thứ 2 (ngày 02/7/2024), đồng chí Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở
Quy hoạch – Kiến trúc đã trình bày tóm tắt Tờ trình của UBND Thành phố về nội dung Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã trình bày tóm tắt Tờ trình của UBND Thành phố về nội dung Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội

 

 

Nội dung nhấn mạnh vào lý do và sự cần thiết lập Quy chế: Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (năm 2011), UBND Thành phố đã tổ chức triển khai và ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố Hà Nội tại Quyết định số 70/2014/QĐ-UBND ngày 12/9/2014. Đến nay, sau hơn 9 năm triển khai Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố Hà Nội theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được duyệt vẫn còn tồn tại một số bất cập, chưa phù hợp với thực tế phát triển của thành phố trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là khi Thủ đô Hà Nội đang tiến hành triển khai lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và sau khi Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 được ban hành (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020) có một số quy định liên quan về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị; theo đó, đối với Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị đã được phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị (trước ngày Luật Kiến trúc có hiệu lực thi hành) chỉ được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2021.

Để giải quyết những bất cập trên, đáp ứng công tác quản lý nhà nước về xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và kịp thời với xu hướng phát triển đô thị hiện nay, việc tổ chức lập "Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội" để quản lý về kiến trúc, cảnh quan theo quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn là cần thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Quan điểm và mục tiêu lập Quy chế:

a, Quan điểm:

- Tuân thủ quy định Luật Kiến trúc 2019; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy định khác của pháp luật có liên quan; phù hợp với định hướng Điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

- Phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn xây dựng, Quy hoạch được phê duyệt.

b) Mục tiêu

- Quản lý kiến trúc, cảnh quan và thực hiện quy hoạch được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa dân tộc, đặc trưng kiến trúc Thủ đô Hà Nội;

- Cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng để quản lý kiến trúc đô thị phù hợp với điều kiện thực tế của Thủ đô Hà Nội và của từng khu vực quản lý trên địa bàn Thành phố;

- Quy định về kiến trúc các loại hình công trình làm cơ sở cho việc bảo tồn giá trị văn hóa, di sản và phục vụ công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc, đầu tư, xây dựng, quản lý trật tự xây dựng và các công tác quản lý khác có liên quan trên địa bàn thành phố Hà Nội.

HĐND Thành phố đã biểu quyết thông qua chủ  trương Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội

 

Xem xét tờ trình của UBND thành phố, báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị, các đại biểu HĐND thành phố đã biểu quyết thông qua chủ  trương Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội.