TIn nổi bật TIn nổi bật

Hà Nội tăng cường công tác quản lý kiến trúc
Ngày đăng 25/04/2025 | 17:06  | Lượt xem: 140

Nhân ngày Kiến trúc Việt Nam (27/4), thể hiện đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cụ thể hóa Điều 7 của Luật Kiến trúc được Quốc hội thông qua ngày 13/06/2019 và Quyết định số 2008/QĐ-TTg, ngày 04/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Kiến trúc Việt Nam”, nhằm khẳng định, tôn vinh vai trò, vị trí của kiến trúc, ý nghĩa, sự cần thiết của Ngày Kiến trúc Việt Nam trong đời sống).

Trong tiến trình phát triển của nhân loại, Kiến trúc là một loại hình nghệ thuật - khoa học, kỹ thuật có tính đặc thù cao và gắn bó hữu cơ với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế – xã hội; tổ chức không gian, tạo lập môi trường sống bền vững cho con người và xã hội. Qua sự đóng góp ở nhiều mức độ, Kiến trúc thể hiện các giá trị tư tưởng, bản sắc văn hóa, trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Kiến trúc sư Việt Nam đã đạt được những thành tựu, ngày càng nhiều tác phẩm kiến trúc được giải thưởng quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà quản lý đã nhận định kiến trúc Việt Nam còn những tồn tại, bất cập cần được khắc phục; nhiều đô thị phát triển không đồng bộ, chắp vá; còn bất cập giữa bảo tồn và phát triển. Đô thị thiếu các không gian xanh, không gian cộng đồng, không gian mặt nước và chưa thật sự có bản sắc riêng.

“Kiến trúc Việt Nam cần bảo tồn và kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống cùng với xây dựng kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc; tiếp thu chọn lọc, ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng vật liệu mới, bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả”. 

Luật Kiến trúc được ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020 đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, phát triển nền kiến trúc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021, với yêu cầu phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam; đồng thời quảng bá kiến trúc Việt Nam ra thế giới.

Thành phố Hà Nội tăng cường công tác quản lý kiến trúc trên địa bàn

 

Nhận định Kiến trúc Hà Nội trong tương lai chắc chắn sẽ kế thừa và phát triển các đặc trưng tốt đẹp sự đa dạng mang tính bản địa theo từng khu vực của Thành phố, các khu di sản, các khu dân cư hiện hữu được cải tạo chỉnh trang ngăn nắp và các khu đô thị mới hiện đại, kết hợp hài hòa, phát huy các khu vực cảnh quan sinh thái đặc trưng của Sông Hồng và các con sông khác, các hồ nước, vườn cây xanh được bảo vệ… luôn hướng đến mục tiêu phục vụ nhu cầu và tạo lập các không gian cộng đồng như là một trong những mục tiêu chính. Về phong cách kiến trúc, ngoài sự bảo vệ giữ gìn các khu vực không gian và công trình di sản, tại các khu vực này sẽ hướng đến cả những sự chuyển hóa hài hòa và cả sự khác biệt nhưng tích cực, ghi dấu sự phát triển thời đại mới.. trong khi các khu vực đô thị mới hiện đại, có tính quốc tế, bền vững theo thời gian, không xa rời tính tạo lập và coi trọng các giá trị phục vụ cộng đồng, tôn trọng và khai thác các giá trị truyền thống, bản sắc, phù hợp khí hậu và ưu tiên kiến trúc xanh...

Bên cạnh đó, Kiến trúc Hà Nội vẫn phải nhận diện các thách thức về áp lực phát triển kinh tế xã hội, tình trạng xây dựng mật độ cao, quá tải hạ tầng, các không gian và hình thái di sản chịu xâm lấn, các khu vực hiện hữu còn lộn xộn, môi trường sống một số nơi chưa tốt.. Về kiến trúc công trình còn thiên về thực dụng, tạo lập đơn lẻ, thiếu sự kết nối không gian tổng thể và sử dụng, thiếu tính bền vững cả về kiến trúc; Về kiến trúc nông thôn, ngoại thành đang chịu biến đổi bởi tác động xâm lấn đối với các không gian kiến trúc truyền thống, và cạnh đó là thách thức về công cụ quản lý.

Trên cơ sở đó, Thành phố Hà Nội thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tăng cường công tác quản lý kiến trúc trên địa bàn Thành phố Hà Nội. UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 22/12/2023 thực hiện định hướng Phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Phạm vi thực hiện: toàn bộ các quận, huyện, thị xã và các Sở, ban ngành có liên quan thuộc thành phố Hà Nội trong giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến 2050. Với mục tiêu cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục xây dựng phát triển kiến trúc Việt Nam nói chung và tại Thành phố Hà Nội nói riêng bền vững, giàu bản sắc, xanh, hiện đại, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, các công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông về kiến trúc nhằm nâng cao nhận thức thẩm mỹ kiến trúc của cộng đồng; nâng cao sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức, hội nghề nghiệp trong các hoạt động kiến trúc. Tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh hợp tác ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực kiến trúc.

UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội và các đơn vị liên quan xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội. Ngày  31/12/2024, UBND Thành phố đã có Quyết định số 73/2024/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội. Việc ban hành Quy chế này được các chuyên gia đầu ngành nhận định: với quy chế này, Hà Nội đi đầu về việc quản lý kiến trúc trong cả nước. Nếu trước đây, chúng ta quản lý quy hoạch và kiến trúc mang tính tổng quát thì nay, quy chế quản lý kiến trúc đi thẳng vào vấn đề liên quan đến kiến trúc của vùng đô thị và nông thôn của thành phố Hà Nội, để phát triển vừa có bản sắc, vừa hiện đại về mặt kiến trúc, đồng thời có khả năng bền vững theo các hệ thống quy hoạch đô thị, nông thôn đã được phê duyệt. Với Hà Nội, Quy chế quản lý kiến trúc vô cùng quan trọng, là bước cụ thể hoá chế tài để quản lý phát triển đô thị, nông thôn sau khi Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do vậy, Hà Nội ban hành Quy chế quản lý kiến trúc rà rất kịp thời, xứng tầm để Hà Nội phát triển theo mục tiêu “Văn hiến – Văn minh - Hiện đại”.

Đồng thời, thời gian qua, Thành phố đã thành lập, thường xuyên kiện toàn và tăng cường, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng kiến trúc thành phố Hà Nội. Năm 2022, căn cứ quy định của Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14, Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc và các quy định hiện hành khác có liên quan, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã báo cáo và UBND Thành phố đã thành lập Hội đồng kiến trúc thành phố Hà Nội tại Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 24/01/2022, kiện toàn thành viên tại các quyết định số 2958/QĐ-UBND ngày 29/5/2023 và số 2461/QĐ-UBND ngày 07/5/2024. Và mới đây nhất, ngày 11/4/2025, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 1984/QĐ-UBND về việc kiện toàn thành viên Hội đồng kiến trúc TP Hà Nội, Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng. Sở Quy hoạch - Kiến trúc là cơ quan thường trực giúp việc Hội đồng

Đ/c Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh phát biểu tại một Hội nghị về công tác quy hoạch, kiến trúc Thành phố

 

Hội đồng gồm các thành viên là lãnh đạo, đại diện các sở ngành, các hội nghề nghiệp, trường đại học và lãnh đạo địa phương có liên quan đến nội dung cần lấy ý kiến hội đồng. Ngoài ra, để chủ động, kịp thời trong việc kiện toàn danh sách Thành viên, không làm gián đoạn hoạt động chuyên môn của Hội đồng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất: Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc theo dõi, ban hành các Thông báo kiện toàn danh sách cụ thể các thành viên trong quá trình thực hiện theo đúng cơ cấu đã được UBND Thành phố phê duyệt.

Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều cuộc thi tuyển PAKT, sau khi hoàn thành công trình sẽ góp phần thay đổi diện mạo kiến trúc đô thị Thành phố (Hình ảnh phương án kiến trúc đạt giải cầu Trần Hưng Đạo)

 

Các thành viên tham gia Hội đồng đều là những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực kiến trúc, lãnh đạo các Hội nghề nghiệp, các chuyên gia tại các trường Đại học danh tiếng, các thành viên đã và đang kinh qua công tác quản lý kiến trúc ở các cấp, Sở, Ban, Ngành, Quận Huyện; trong đó có các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ Xây dựng, lãnh đạo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, thế mạnh đó đã được thể hiện qua những ý kiến đóng góp giá trị, mang tính tiếp nối công việc với cách nhìn tổng thể, bao quát, góp phần xây dựng nên những công trình kiến trúc có giá trị, chất lượng

Cuộc thi Phương án kiến trúc cầu Ngọc Hồi (phương án đạt giải)

 

Ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025) là văn bản pháp lý quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt với Thành phố, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền Thành phố trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Trong đó quy định các khu vực, di tích, di sản, công trình được tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa. HĐND Thành phố ban hành danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị; quy định việc lập hồ sơ quản lý công trình kiến trúc có giá trị, việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức cải tạo, bảo vệ khu vực, công trình kiến trúc có giá trị có nhiều chủ sở hữu.

UBND Thành phố Hà Nội đã có các văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, cơ quan đơn vị thuộc Thành phố phối hợp triển khai rà soát, lập danh mục, phân loại các công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố; rà soát lập hồ sơ các công trình biệt thự cũ phải bảo tồn, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị .

Phương án kiến trúc đạt giải cầu Thượng Cát

 

Hiện UBND Thành phố đang trình HĐND Thành phố ban hành Danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội (Đợt 1) tại Tờ trình số 112/TTr-UBND ngày 17/4/2025. Đây không chỉ là một trong các biện pháp bảo tồn các di sản có giá trị của Thành phố mà còn là nền tảng để phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Bằng các giải pháp quyết liệt của Thành phố, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Xây dựng và cả nước, đồng thời Thành phố là nơi tập trung đông đảo cộng đồng các chuyên gia kiến trúc và xây dựng đô thị; Hà Nội vẫn còn hầu như nguyên vẹn các di sản kiến trúc và thiên nhiên đặc trưng; nhiều quỹ đất giá trị, cùng với giá trị tự thân và vị trí, Thành phố đã và đang làm hết sức mình để là điểm đến của nhiều dự án tầm cỡ Thế giới và luôn luôn khuyến khích các kiến trúc sư tìm tòi, đề xuất các giải pháp kiến trúc tốt đẹp cho Thành phố. Góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu mạnh; nhằm quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước, Thủ đô phát triển giàu mạnh, hùng cường trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.