Quy hoạch kiến trúc
Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 và Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 ngày 13 tháng 6 năm 2019, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc và các đơn vị liên quan xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội.
Ngày 31/12/2024, UBND Thành phố đã có Quyết định số 73/2024/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội.
Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 27/12/2024. Do vậy, với yêu cầu và thực tiễn hiện nay, việc ban hành Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội là hết sức cần thiết nhằm phát triển kiến trúc bền vững, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa, cũng như để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn đã được phản ảnh thường xuyên trên địa bàn các quận, huyện, thị xã trong thời gian qua.
Mục đích ban hành Quy chế nhằm:
a) Quản lý cảnh quan đô thị, nông thôn và kiến trúc các công trình xây dựng theo quy hoạch được duyệt; Kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa dân tộc, đặc trưng kiến trúc Thủ đô Hà Nội.
b) Quản lý kiến trúc đô thị phù hợp với điều kiện thực tế của Thủ đô Hà Nội và của từng khu vực quản lý trên địa bàn Thành phố.
c) Quy định về kiến trúc các loại hình công trình làm cơ sở cho việc bảo tồn giá trị văn hóa, di sản và phục vụ công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc, đầu tư, xây dựng, quản lý trật tự xây dựng và các công tác quản lý khác có liên quan trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Quan điểm xây dựng Quy chế:
a) Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật; đảm bảo tính minh bạch, khả thi, kịp thời của văn bản pháp luật.
b) Đảm bảo tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục
xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
c) Văn bản Quy chế đảm bảo đầy đủ nội dungtheo quy định tại Luật Kiến trúc và Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ.
1. Phạm vi điều chỉnh
a) Quy chế này quy định về quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội trong phạm vi địa giới hành chính của thành phố Hà Nội, tổng diện tích là khoảng 3.359,84 km2;
b) Đối với khu vực, dự án, công trình đã có Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, đồ án Thiết kế đô thị riêng được duyệt hoặc đã được chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình mà có quy định khác hoặc cụ thể hơn về kiến trúc so với Quy chế này thì được áp dụng theo các nội dung đã được phê duyệt, chấp thuận.
2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư, các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiến trúc trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bố cục Quy chế thực hiện theo quy định tại Phụ lục II (Kèm theo Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ), gồm 04 Chương, 17 Điều và các Phụ lục kèm theo, cụ thể như sau:
- CHƯƠNG I: QUY ĐỊNH CHUNG, gồm 5 Điều: “Điều 1. Mục tiêu”; “Điều 2. Đối tượng, phạm vi áp dụng”; “Điều 3. Giải thích từ ngữ”; “Điều 4. Nguyên tắc quản lý kiến trúc, cảnh quan thành phố Hà Nội”; “Điều 5. Công trình phải tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc”.
- CHƯƠNG II: QUẢN LÝ KIẾN TRÚC, KHÔNG GIAN CẢNH QUAN, gồm 6 Điều: “Điều 6. Định hướng kiến trúc, không gian cảnh quan thành phố Hà Nội”; “Điều 7. Yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc”; “Điều 8. Quy định đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù”; “Điều 9. Quy định đối với kiến trúc các loại hình công trình”; “Điều 10. Quy định đối với kiến trúc công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn”; “Điều 11. Các yêu cầu khác”.
- CHƯƠNG III: QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC CÓ GIÁ TRỊ, gồm 2 Điều: “Điều 12. Quy định quản lý các công trình đã được xếp hạng theo pháp luật về di sản văn hóa”; “Điều 13. Các quy định quản lý công trình thuộc danh mục kiến trúc có giá trị đã được phê duyệt”.
- CHƯƠNG IV: TỔ CHỨC THỰC HIỆN, gồm 4 Điều:“Điều 14. Tổ chức thực hiện Quy chế”; “Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân”; “Điều 16. Kiểm tra, thanh tra, báo cáo và xử lý vi phạm”; “Điều 17. Điều chỉnh, bổ sung Quy chế”.
- Các Phụ lục kèm theo Quy chế: Là nội dung quy định chi tiết cụ thể hơn đối với một số điều, khoản của Quy chế.
Bên cạnh việc bám sát các yêu cầu nguyên tắc chung của Luật Kiến trúc, xác định các nguyên tắc đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù, Quy chế quản lý kiến trúc đã làm rõ được một số định hướng hướng kiến trúc, không gian cho toàn Thành phố như:
- Xây dựng kiến trúc đô thị hiện đại, kết hợp với gìn giữ, kế thừa các công trình kiến trúc lịch sử, các công trình có giá trị và lưu giữ được dấu ấn các giai đoạn hình thành và phát triển của Thành phố.
- Phát triển kiến trúc đô thị hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trình độ khoa học kỹ thuật và đặc biệt chú trọng tạo bản sắc kiến trúc cho các khu vực nội đô mang tính lịch sử. Nghiên cứu ứng dụng vật liệu thân thiện với môi trường để đạt tiêu chí “công trình xanh - kiến trúc bền vững”, từng bước hình thành không gian cảnh quan thân thiện, hòa nhập với thiên nhiên; bảo đảm sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả; thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc.
- Tạo lập các trục không gian với kiến trúc, cảnh quan hiện đại kết nối hệ thống các không gian công cộng lớn của Thành phố gắn kết với các không gian mở, vùng sinh thái tự nhiên. Xây dựng các trục vành đai, hướng tâm thành trục không gian kiến trúc cảnh quan đô thị có không gian mở, nhiều cây xanh, đa chức năng và tạo lập các điểm nhấn trên các trục đường nhằm tạo lập hình ảnh cho Thủ đô.
- Quản lý chiều cao công trình phù hợp quy hoạch được duyệt, theo nguyên tắc bố trí công trình cao tầng tại các điểm khu vực trung tâm trong đô thị có điều kiện giao thông thuận lợi đồng thời đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt khuyến khích tại các khu vực phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD) và phụ cận nhằm tạo dựng các khu vực đô thị nén có kiến trúc hiện đại, hiệu quả sử dụng đất tối ưu với lợi thế của mạng lưới giao thông công cộng; Xây dựng các công trình cao tầng phù hợp quy hoạch trên các trục đường vành đai, tuyến đường hướng tâm và tuyến đường chính khu vực theo hướng hợp lý. Xây dựng các công trình có tầng cao, mật độ xây dựng và các chỉ tiêu sử dụng đất giảm dần ra hướng ngoài các khu vực trung tâm, hướng đến việc giữ gìn các khu vực không gian xanh hoặc xây dựng mật độ thấp trong đô thị.
- Khuyến khích tạo lập các không gian mở, không gian sinh hoạt cộng đồng sử dụng công cộng trong đô thị, kết nối các không gian công cộng, không gian ngầm nhằm tạo ra mạng lưới đi bộ liên hoàn trong Thành phố, có giá trị về mặt thẩm mỹ và công năng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.
- Khuyến khích quy hoạch và trồng cây xanh tán lớn, thảm cỏ, kết hợp tổ chức các quảng trường, vườn hoa, đài phun nước, tượng đài, phù điêu, tiểu cảnh nhỏ trong các khu vực trung tâm công cộng.
- Thiết kế kiến trúc công trình phải phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa, đáp ứng các điều kiện về thông gió tự nhiên, thân thiện với người đi bộ như tạo ra nhiều không gian xanh, có mái che, không gian mặt nước và cần có giải pháp giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, giảm tiếng ồn đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải hiệu ứng nhà kính.
- Khuyến khích các công trình hỗn hợp bố trí không gian trống tại tầng 1 để tổ chức không gian công cộng, các tuyến đi bộ bên trong công trình, liên hoàn giữa các công trình trong phạm vi khối đế, tạo sân vườn, hồ cảnh, giếng trời kết hợp bố trí tiểu cảnh, tượng đài, điêu khắc tạo cảnh quan đô thị xanh, đẹp và thân thiện.
- Kiến trúc công trình dọc khu vực các sông, rạch phải hài hoà với không gian mặt nước, gắn với các giải pháp đảm bảo hành lang thoát lũ và thích ứng với điều kiện thủy văn của sông.
- Ưu tiên tạo lập cảnh quan phục vụ công cộng ở nhiều cấp độ (cấp đô thị, cấp đơn vị ở và nhóm nhà ở) đảm bảo khang trang, đồng bộ, hiện đại và thân thiện với môi trường nhằm góp phần nâng tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm ngập lụt, tăng không gian xanh.
- Phát triển kiến trúc tại nông thôn cần kế thừa và phát triển các hình thái, phong cách và chi tiết kiến trúc truyền thống kết hợp hiện đại. Nghiên cứu các giải pháp thiết kế phù hợp với đặc điểm thiên nhiên, con người, tôn trọng địa hình, thiên nhiên và khí hậu từng khu vực; kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Bảo tồn tôn tạo cấu trúc, không gian, kiến trúc, cảnh quan các công trình di tích, các làng nghề truyền thống, các công trình có giá trị. Xác định và tổ chức các vùng đệm bảo vệ sự phát triển của các làng xóm hiện hữu trong khu vực phát triển đô thị; Cải tạo chỉnh trang các khu vực dân cư hiện hữu theo nguyên tắc bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo sự thống nhất về chiều cao, màu sắc công trình.
Về mặt định hướng kiến trúc khu vực trung tâm, Quy chế xác định là khu vực thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo, cải tạo, tái thiết, bổ sung HTXH, đề xuất phát triển một số khu vực theo mô hình TOD tập trung nâng tầm và đẩy mạnh hiệu quả hình thái phát triển khu vực trung tâm hành chính, tài chính, thương mại vốn sẵn có; Bảo tồn, tôn tạo cảnh quan, các công trình di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc đô thị có giá trị; Cân đối một cách hợp lý việc phát triển công trình cao tầng để hạn chế sự quá tải lên hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu, hạn chế các tác động đối với cấu trúc đô thị và các giá trị văn hóa - xã hội, các di sản kiến trúc, tuân thủ quy định hiện hành của Pháp luật. Phạm vi khu trung tâm xác định bao gồm khu vực Nội đô lịch sử (ký hiệu từ A1-A7) giới hạn từ bờ Nam sông Hồng đến đường Vành đai 2 (thuộc địa giới hành chính 4 quận nội thành cũ và một phần của quận Tây Hồ).
Quy chế cũng đã khái quát được nhiều định hướng chung đối với kiến trúc của các khu đô thị hiện hữu, khu phát triển mới, khu vực giáp ranh nội, ngoại thị, khu vực nông nghiệp thuộc đô thị. Ngoài ra, Quy chế cũng đã đề ra các quy định cụ thể về không gian cảnh quan đô thị (tại vị trí điểm nhấn về cảnh quan đô thị; các không gian mở và các khu vực cảnh quan tự nhiên; hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước;…), cũng như về kiến trúc cho từng khu vực cụ thể (như: trên các tuyến đường chính, liên khu vực, đường chính khu vực; khu vực hiện hữu; khu vực đô thị mới; khu vực bảo tồn; khu vực dự trữ phát triển; khu vực công nghiệp; khu vực dân cư hiện hữu, làng xóm đô thị hóa;…).
Một điểm mới trong nội dung Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội so với các Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đã được ban hành trước kia là về “Bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc” đã được đề cập và quy định rõ các yêu cầu đối với bản sắc văn hoá dân tộc trong kiến trúc gắn liền với đặc điểm, tính chất tiêu biểu về văn hóa dân tộc của địa phương, cũng như các đặc thù, điều kiện về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán. Trong đó, các yêu cầu đối với công trình kiến trúc xây dựng mới, cải tạo sửa chữa, việc sử dụng kỹ thuật, vật liệu cũng đã được quy định rõ hơn trong Quy chế này để đáp ứng các yêu cầu về bản sắc văn hoá dân tộc trong kiến trúc của Thành phố.
Về kiến trúc của từng thể loại công trình cũng đã được nghiên cứu quy định tương đối bao quát hầu hết các loại hình bao gồm công trình công cộng, công trình nhà ở, công trình công nghiệp, công trình tôn giáo, tín ngưỡng, công trình tượng đài, công trình kỷ niệm, trang trí đô thị, công trình ngầm đô thị, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị...
Đối với công tác quản lý, bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị, Quy chế cũng đã làm rõ hơn các quy định quản lý các công trình đã được xếp hạng theo pháp luật về di sản văn hóa, quản lý công trình thuộc Danh mục công trình kiến trúc có giá trị đã được phê duyệt trong việc quy định tu bổ, sửa chữa, cải tạo xây mới công trình, tường rào, các hệ thống kỹ thuật, quy định về cảnh quan chung, hình thức cây xanh, sân vườn đảm bảo hài hòa với hình thức công trình kiến trúc, cùng với nguyên tắc xây dựng bổ sung, xây dựng mới trong khuôn viên công trình có giá trị.
Quyết định số 73/2024/QĐ-UBND: Tại đây
- Thông tin người phát ngôn
- Kế hoạch tài chính
- Thông tin tuyên truyền
- Dự thảo văn bản
- Giải quyết khiếu nại - tố cáo
- Triển khai điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thủ đô
- Công tác xây dựng Đảng
- Danh mục các đơn vị tổ chức, cá nhân hành nghề tư vấn thiết kế quy hoạch xây dựng, kiến trúc
- Dữ liệu mở về Quy hoạch theo Quyết định số 3478/QĐ-UBND ngày 04/7/2023 của UBND TP