Quy hoạch kiến trúc Quy hoạch kiến trúc

Triển lãm Kiến trúc Hội nhập và Phát triển năm 2023 (EXPO Kiến trúc 2023)
Ngày đăng 10/09/2023 | 14:21  | Lượt xem: 10113

Trong 2 ngày mùng 8 và 9/9, tại Thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Triển lãm Kiến trúc Hội nhập và Phát triển năm 2023 (EXPO Kiến trúc 2023) với chủ đề “Kiến trúc - Tạo lập không gian bền vững cho cộng đồng” chính thức được khai mạc và tiến hành các hoạt động hội thảo về kiến trúc. Đây là triển lãm kiến trúc đầu tiên ở Việt Nam với quy mô lớn, thu hút các đơn vị trong và ngoài nước, do Bộ Xây dựng phối hợp với UBND Kiên Giang, Hội KTS Việt Nam tổ chức.

Tới dự buổi lễ có các Đồng chí Nguyễn Thanh Nghị - Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên T.Ư Đảng - Tổng Biên tập Báo Nhân dân; Đồng chí Đỗ Thanh Bình - Ủy viên T.Ư Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, địa phương; Lãnh đạo Hội KTS Việt Nam cùng UV Ban thường vụ Hội và hơn 500 đại biểu là nhà hoạch định chính sách, đại diện cấp cao đến từ các đơn vị phát triển dự án, đầu tư, tư vấn-thiết kế, các kiến trúc sư và chuyên gia thiết kế đầu ngành, đơn vị cung cấp vật liệu, thiết bị và công nghệ tòa nhà cùng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực nhà ở và kiến trúc.

Các đồng chí Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đồng chí Dương Đức Tuấn - Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, bộ ngành, địa phương tham gia cắt băng khánh thành triển lãm

 

Về phía Thành phố Hà Nội có Đồng chí Dương Đức Tuấn - Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND Thành phố dẫn đầu, Đồng chí Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tham gia các hoạt động khai mạc và các hội thảo tại triển lãm.

Phát biểu khai mạc triển lãm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong tiến trình phát triển của nhân loại, Kiến trúc là một loại hình nghệ thuật - khoa học, kỹ thuật có tính đặc thù cao và gắn bó hữu cơ với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế – xã hội; tổ chức không gian, tạo lập môi trường sống bền vững cho con người và xã hội. Qua sự đóng góp ở nhiều mức độ, Kiến trúc thể hiện các giá trị tư tưởng, bản sắc văn hóa, trình độ phát triển của mỗi quốc gia.

Kiến trúc của nhiều vùng nông thôn đã thể hiện tiêu chí “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” và phát triển kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, thân thiện với môi trường thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu. Kiến trúc sư Việt Nam đã đạt được những thành tựu, ngày càng nhiều tác phẩm kiến trúc được giải thưởng quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, kiến trúc Việt Nam còn những tồn tại, bất cập cần được khắc phục. Nhiều đô thị phát triển không đồng bộ, chắp vá; còn bất cập giữa bảo tồn và phát triển. Đô thị thiếu các không gian xanh, không gian cộng đồng, không gian mặt nước và chưa thật sự có bản sắc riêng.

Các đại biểu tham quan mô hình triển lãm

Bộ trưởng khẳng định, “Kiến trúc Việt Nam cần bảo tồn và kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống cùng với xây dựng kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc; tiếp thu chọn lọc, ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng vật liệu mới, bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả”. 

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Đồng chí Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, Triển lãm Kiến trúc Việt Nam 2023 bao gồm chuỗi hoạt động quy tụ đông đảo chuyên gia, nhà tư vấn, kiến trúc sư hàng đầu, đại diện lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước, quốc tế sẽ mang đến nhiều kinh nghiệm, giải pháp kiến trúc hiện đại được các nước tiên tiến áp dụng thành công, cũng như giải pháp chống chịu tác động của thiên tai và biến đối khí hậu; nâng cao chất lượng thiết kế, bảo đảm phát triển bền vững; tạo cơ chế thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, mô hình mới về công trình xanh tại Việt Nam… Với ý nghĩa quan trọng đó, bằng cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn thông qua các sự kiện của Triển lãm sẽ mang lại cho Kiên Giang, Phú Quốc nhiều giải pháp, kinh nghiệm trong quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch; định hướng phát triển kiến trúc đô thị, nông thôn và nhất là kiến trúc du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng theo yêu cầu của Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ”.

Một trong các Báo cáo viên chính tại Hội thảo phiên toàn thể và tọa đàm với chủ đề “Kiến trúc - Tạo lập không gian bền vững cho cộng đồng”, KTS Hoàng Thúc Hào - Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã đưa ra khái niệm “Hệ gene & kiến trúc hạnh phúc” trong tạo lập môi trường bền vững cho cộng đồng, trong đó xác định Phát triển bền vững trong kiến trúc là nhiệm vụ cấp bách và cộng đồng kiến trúc sư Việt Nam cần phải xác định và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đó. Theo đó, nền kiến trúc Việt Nam cần hướng tới khái niệm Hệ gene kiến trúc - nền tảng của Triết lý Kiến trúc Hạnh gồm 3 trụ cột gồm Kiến trúc sư hạnh phúc – Công trình hạnh phúc – Người sử dụng Hạnh phúc, trong đó Hệ gene kiến trúc được quyết định bao gồm 4 yếu tố chủ đạo là điều kiện địa hình, khí hậu, phong tục tập quán và quan hệ nhận thức xã hội, song song để tạo lập môi trường sống bền vững với đó, còn có “hệ gene phụ trợ” cho gene kiến trúc bao gồm kiến trúc sư, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và cộng đồng dân cư, là các thành tố đóng vai trò quyết định định hướng, phát triển một nền kiến trúc bền vững, vì cộng đồng.

Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh  và Giám đốc Sở QHKT Tp Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã tại Tọa đàm Phiên Hội thảo chính “ Kiến trúc - Tạo lập không gian bền vững cho cộng đồng

 

Là diễn giả tham gia tọa đàm phiên toàn thể, Đồng chí Nguyễn Trọng Kỳ Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hà Nội đã đề  cao sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ và Bộ Xây dựng đối với nền kiến trúc Việt Nam hiện nay, thể hiện qua việc ban hành nhiều nội dung chỉ đạo và chính sách thiết thực, trong đó có Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 07/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.

Đồng chí Nguyễn Trọng Kỳ Anh cũng đã nêu Kiến trúc Hà Nội trong tương lai chắc chắn sẽ kế thừa và phát triển các đặc trưng tốt đẹp sự đa dạng mang tính bản địa theo từng khu vực của Thành phố, các khu di sản, các khu dân cư hiện hữu được cải tạo chỉnh trang ngăn nắp và các khu đô thị mới hiện đại, kết hợp hài hòa, phát huy các khu vực cảnh quan sinh thái đặc trưng của Sông Hồng và các con sông khác, các hồ nước, vườn cây xanh được bảo vệ… luôn hướng đến mục tiêu phục vụ nhu cầu và tạo lập các không gian cộng đồng như là một trong những mục tiêu chính.

Mô hình 1 phương án Trung tâm các Bộ ngành TW tại Khu đô thị Tây Hồ Tây trưng bày tại Triển lãm

 

Về phong cách kiến trúc, ngoài sự bảo vệ giữ gìn các khu vực không gian và công trình di sản, tại các khu vực này sẽ hướng đến cả những sự chuyển hóa hài hòa và cả sự khác biệt nhưng tích cực, ghi dấu sự phát triển thời đại mới.. trong khi các khu vực đô thị mới hiện đại, có tính quốc tế, bền vững theo thời gian, không xa rời tính tạo lập và coi trọng các giá trị phục vụ cộng đồng, tôn trọng và khai thác các giá trị truyền thống, bản sắc, phù hợp khí hậu và ưu tiên kiến trúc xanh...

Cạnh đó, Kiến trúc Hà Nội vẫn phải nhận diện các thách thức về áp lực phát triển kinh tế xã hội, tình trạng xây dựng mật độ cao, quá tải hạ tầng, các không gian và hình thái di sản chịu xâm lấn, các khu vực hiện hữu còn lộn xộn, môi trường sống một số nơi chưa tốt.. Về kiến trúc công trình còn thiên về thực dụng, tạo lập đơn lẻ, thiếu sự kết nối không gian tổng thể và sử dụng, thiếu tính bền vững cả về kiến trúc; Về kiến trúc nông thôn, ngoại thành đang chịu biến đổi bởi tác động xâm lấn đối với các không gian kiến trúc truyền thống, và cạnh đó là thách thức về công cụ quản lý.

Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Xây dựng và cả nước, Kiến trúc Hà Nội vẫn còn có các cơ hội lớn nhờ Thành phố là nơi tập trung đông đảo cộng đồng các chuyên gia kiến trúc và xây dựng đô thị; Hà Nội vẫn còn hầu như nguyên vẹn các di sản kiến trúc và thiên nhiên đặc trưng; và Hà Nội vẫn còn nhiều quỹ đất giá trị, cùng với giá trị tự thân và vị trí, Thành phố đang làm hết sức mình để là điểm đến của nhiều dự án tầm cỡ Thế giới và luôn luôn khuyến khích các kiến trúc sư tìm tòi, đề xuất các giải pháp kiến trúc tốt đẹp cho Thành phố.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

Triển lãm Kiến trúc Việt Nam 2023 diễn ra từ 8 – 10/9/2023, với chuỗi hoạt động: Tham quan thực tế dự án tại Kiên Giang tiêu biểu áp dụng công trình kiến trúc xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường; 1 phiên khai mạc toàn thể; 2 hội thảo chuyên đề và 1 triển lãm kiến trúc song song. Triển lãm kiến trúc trưng bày hơn 100 đồ án công trình kiến trúc - quy hoạch được giải thưởng quốc gia, quốc tế và Hội thảo quốc tế, nhằm truyền tải thông điệp về bản sắc kiến trúc Việt Nam, đồng thời thể hiện được những mục tiêu quản lý và phát triển đô thị bền vững; thể hiện khả năng thích ứng cao với công nghệ, chuyển đổi số; tạo cơ hội hợp tác trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

 

Phát biểu bế mạc Triển lãm, Đồng chí Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã đánh giá cao kết quả thu được của triển lãm và các cuộc hội thảo, là sự phát triển đầy khích lệ của Kiến trúc Việt Nam thời gian vừa qua, là các nội dung khoa học hướng đến phát triển nền kiến trúc bền vững cần ghi nhận và xem xét tiếp thu chuyển hóa vào các nội dung định hướng, đồng thời Bộ Xây dựng khẳng định sẽ là đơn vị tham mưu chủ trì. sát cánh cùng các địa phương, bộ ngành nhằm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.

Triển lãm Kiến trúc Việt Nam 2023 với chuỗi hoạt động: Tham quan thực tế dự án tại Kiên Giang tiêu biểu áp dụng công trình kiến trúc xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường; 1 phiên khai mạc toàn thể; 2 hội thảo chuyên đề và 1 triển lãm kiến trúc song song. Triển lãm kiến trúc trưng bày hơn 100 đồ án công trình kiến trúc - quy hoạch được giải thưởng quốc gia, quốc tế và Hội thảo quốc tế, nhằm truyền tải thông điệp về bản sắc kiến trúc Việt Nam, đồng thời thể hiện được những mục tiêu quản lý và phát triển đô thị bền vững; thể hiện khả năng thích ứng cao với công nghệ, chuyển đổi số; tạo cơ hội hợp tác trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Triển lãm và hội thảo cũng đã quy tụ được nhiều nội dung trình bày quan điểm phát triển kiến trúc bền vững vì cộng đồng của các chuyên gia kiến trúc hàng đầu trong nước và khu vực như KTS Kevin Jose (Thiết kế cho tương lai với chuyên môn toàn cầu và hiểu biết Châu Á), Nguyễn Thanh Nhã (Kiến trúc Thành phố với tiến trình hội nhập) Benjamin Warner (Mối liên hệ kiến trúc với văn hóa Châu Á), Nguyễn Tất Thắng (Thích ứng Văn hóa kiến trúc bản địa kết hợp với Công nghệ 4.0), Hà Văn Thanh Khương (Không gian công cộng với sự tham gia 3 thành phần Nhà nước, Tư nhân và Cộng đồng dân cư), Hwang Sung Kwan (Ứng dụng công nghệ kiến trúc để giảm mức tiêu thụ năng lượng cho nhà ở), Trần Công Đức (Kiến trúc bền vững hướng tới tương lai) Mr.Kapil Chaudhery (Ứng dụng công nghệ số thúc đẩy hoàn thiện hệ thống CSDL kiến trúc quốc gia), Jun In-ho (Nghiên cứu QH Tổng thể khu phức hợp cộng đồng thông minh định hướng y tế cho người cao tuổi), Nguyễn Thu Phong (Kiến trúc bền vững hài hòa tài nguyên sinh thái và nhân văn Việt Nam) cùng các chuyên gia Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Ngô Viết Nam Sơn, Phạm Thị Ái Thủy, Frank D'hondt, ...