Quy hoạch chuyên ngành Quy hoạch chuyên ngành

Quy hoạch tạo động lực, cơ hội để phát triển xứng tầm Thủ đô
Ngày đăng 04/05/2024 | 10:16  | Lượt xem: 659

Thủ đô Hà Nội, đô thị đặc biệt "văn minh - văn hiến - hiện đại" đang trên đà phát triển mạnh mẽ để sánh ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Trong tiến trình phát triển đó, không thể không kể đến vai trò của công tác quy hoạch.

Phát triển Thủ đô toàn diện, đặc sắc, hài hòa

Nhìn lại chặng đường 70 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã có 7 lần quy hoạch chung TP. Các quy hoạch được lập đã tạo công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền TP hoạch định chính sách, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức không gian lãnh thổ trên địa bàn.

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giới thiệu với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về quy hoạch khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thanh Hải

 

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, hiện, TP đang triển khai đồng bộ 3 nhiệm vụ quan trọng là sửa đổi Luật Thủ đô; lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Thủ đô) và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045, tầm nhìn đến 2065 (gọi tắt là điều chỉnh Quy hoạch chung).

Nhiều chuyên gia cho rằng đây là thời cơ hiếm có để phát triển Thủ đô xứng tầm thời đại, bởi vậy các đồ án quy hoạch không chỉ định hướng, đưa ra giải pháp để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, chưa thực hiện được trong giai đoạn vừa qua mà còn nhằm cụ thể hóa các định hướng phát triển mà Đảng và Nhà nước đã xác định gần đây với đô thị, nông thôn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.

Kể từ khi nhiệm vụ lập hai quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với chỉ đạo sát sao của TP, sự nỗ lực của các đơn vị tổ chức lập và các đơn vị tư vấn, sự đóng góp chủ động, khoa học của cả hệ thống chính trị, tổ chức xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng, các cơ quan T.Ư và Đảng đoàn, Quốc hội, Thành ủy, HĐND, các đồ án quy hoạch đã được đánh giá có chất lượng tốt đang hoàn thiện để trình duyệt.

Nhìn nhận kết quả nghiên cứu vừa qua cho thấy có nhiều điểm mới trong quy hoạch, nhất là đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung được hy vọng tạo cơ hội mới cho phát triển Thủ đô.

Kế thừa Quy hoạch chung Thủ đô được duyệt năm 2011 (Quy hoạch 2011), Hà Nội tiếp tục thực hiện mô hình chùm đô thị gồm: đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái được phân cách bằng hành lang xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông hướng tâm và vành đai.

Song với lần điều chỉnh này, các đô thị đều được xác định lại quy mô nhằm thích ứng với gia tăng dân số và phân bố dân số phù hợp với thực tiễn. Đây là mô hình tạo nên mạng lưới đa trung tâm, đa cực, tạo cơ hội hình thành các trung tâm vùng, quốc gia và khu vực, là động lực để phát triển Thủ đô, đồng thời hạn chế phát triển lan tỏa tự phát.

Bên cạnh đó, định hướng phát triển các đô thị vệ tinh cũng đã có điều chỉnh so với Quy hoạch 2011 để tăng tính thực tiễn, nhằm chia sẻ áp lực với đô thị trung tâm. Từng đô thị vệ tinh được xác định chức năng đặc thù để người dân, người lao động, các nhà khoa học, chuyên gia có cuộc sống chất lượng.

Quy hoạch đã đề cập đến tiêu chí, chỉ tiêu hình thành các thị trấn sinh thái với chức năng trung tâm tổng hợp hoặc chuyên ngành cấp huyện. Điểm mới trong quy hoạch là định hướng phát triển các thị trấn với địa danh, tiêu chí cụ thể.

Các đề xuất cụ thể trong quy hoạch về mô hình cấu trúc nêu trên cùng với thực hiện chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi) và đổi mới, phân công, phân cấp trong tổ chức chính quyền Thủ đô, sẽ tạo nên cấu trúc mô hình Thủ đô hiện đại, phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước.

Cơ chế đặc thù gắn với quyết tâm tổ chức thực hiện

 

Điểm mới rất đáng chú ý trong quy hoạch lần này là hình thành mô hình TP trong Thủ đô, để tạo động lực phát triển. Đó là TP phía Tây bao gồm đô thị Hòa Lạc và Xuân Mai có chức năng là TP khoa học, giáo dục đào tạo hiện đại và sinh thái.

TP phía Bắc gồm Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn là TP dịch vụ công nghệ hội nhập, là hành lang kinh tế quốc gia khai thác hài hòa giữa bảo tồn di sản Cổ Loa với hình thành khu đô thị thông minh (trục Nhật Tân - Nội Bài) và dự kiến TP thứ 3 ở phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa) với chức năng thương mại dịch vụ, logictics, tài chính, cùng với hình thành sân bay quốc tế thứ 2 của Thủ đô.

Mô hình TP trong Thủ đô được đề xuất từ thực tế phát triển của đô thị Hà Nội cùng với căn cứ pháp lý đã có trong bổ sung, phân loại đô thị được Quốc hội thông qua từ năm 2016. Để thêm động lực thực hiện, khi nghiên cứu Luật Thủ đô (sửa đổi), đã có đề cập đến chính sách đặc thù cho mô hình mới này.

Trong  các Quy hoạch lớn Hà Nội đang lập, sông Hồng được xác định là trục trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô Ảnh: Phạm Hùng.

 

Quy hoạch lần này đã xác định 5 trục không gian chính của Thủ đô gồm: trục không gian sông Hồng; trục Hồ Tây - Ba Vì; trục Hồ Tây - Cổ Loa; trục Nhật Tân - Nội Bài; trục không gian phía Nam (Tô Lịch - Châu Giang).

Trong đó, trục không gian cảnh quan sông Hồng được xác định là trục trung tâm cùng với các trục không gian sông Đuống, sông Đáy, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, là các trục nhánh liên kết tự nhiên, tạo nên cảnh quan đặc thù cho Thủ đô.

Trục không gian sông Hồng đã được đề cập từ Quy hoạch 1998, cụ thể hơn trong Quy hoạch 2011 và quy hoạch lần này đã cụ thể hơn về mặt nước, bãi sông và khu dân cư hiện hữu, nhấn mạnh hơn về giao thông thủy, cầu qua sông, khôi phục, phát huy các công trình kiến trúc tâm linh và nhất là xác định rõ hệ thống giao thông liên kết với xung quanh.

Có thể khẳng định với định hướng 5 trục trung tâm của Thủ đô trong quy hoạch, với quyết tâm tổ chức thực hiện, tương lai không xa Hà Nội sẽ có diện mạo mới "xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại" ngang tầm với Thủ đô các nước và thế giới.

Ngoài ra, trong điều chỉnh quy hoạch lần này cũng đã nghiên cứu đưa ra các định hướng phát triển phù hợp với xu thế của thế giới như phát triển đô thị gắn kết với định hướng giao thông công cộng (TOD).

Đây là định hướng đã xác định trong các Nghị quyết 06/NQ-TW về phát triển bền vững đô thị, Nghị quyết 15/NQ-TW về phát triển Thủ đô đến năm 2030.

Đây cũng là kinh nghiệm từ các nước phát triển và quy hoạch lần này đã cụ thể hóa nhằm hình thành các vùng, tuyến, điểm dân cư tập trung, chức năng hỗn hợp để phát huy lợi thế của giao thông công cộng.

Định hướng này là đột phá cho tạo lập các khu chức năng mới, song vẫn luôn là thách thức với Hà Nội - một đô thị lịch sử cùng với nguồn lực thực hiện.

Để thực hiện được các định hướng nêu ra tại đồ án quy hoạch, trong sửa đổi Luật Thủ đô đã đề xuất những chính sách đặc thù liên quan. Song để sớm trở thành hiện thực, ngay sau khi Luật được thông qua cần cụ thể hóa trong các văn bản dưới luật và quyết liệt trong tổ chức thực hiện.

nguồn: kinhtedothi.vn