Quy hoạch chuyên ngành Quy hoạch chuyên ngành

Để phát triển đường sắt đô thị: mô hình TOD là chiến lược then chốt
Ngày đăng 22/04/2024 | 09:19  | Lượt xem: 805

Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) với hơn 500km; đến năm 2035 sẽ hoàn thành xây dựng khoảng 200km...

Chiến lược then chốt để hướng tới mục tiêu đó là phát triển đô thị theo định hướng lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD), vừa tái thiết đô thị, vừa tận dụng nguồn lực nội tại để đầu tư, hoàn thiện mạng lưới ĐSĐT.

Kỳ vọng lớn hơn

Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ - TTg năm 2016, Hà Nội sẽ có 10 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài 417,8km. Tuy nhiên, sau khi rà soát quy hoạch, TP đã đặt mục tiêu lớn hơn. Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho hay, Hà Nội sẽ quy hoạch phát triển 14 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài 550km làm “xương sống” của giao thông đô thị.

Dù được xác định là loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chủ lực, nhưng thực tế là quy mô hiện tại của ĐSĐT chưa xứng tầm, chưa đáp ứng kỳ vọng của TP. Trong số 10 tuyến ĐSĐT được quy hoạch, Hà Nội mới chỉ đưa được một tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông vào vận hành; chuẩn bị khai thác đoạn trên cao tuyến số 3 Nhổn - Cầu Giấy.

Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.

 

Trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, TP đang chuẩn bị đầu tư tiếp đoạn thứ hai của tuyến số 3 Ga Hà Nội - Hoàng Mai; tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc. Đồng thời, TP chuẩn bị đầu tư tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; tuyến số 8 Sơn Đồng - Mai Dịch - Dương Xá.

Những thách thức lớn nhất đối với ĐSĐT Hà Nội: thiếu vốn; cơ chế chính sách, trình tự, thủ tục đầu tư còn phức tạp khó khăn; năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư còn hạn chế, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa đạt hiệu quả cao.

“Theo Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị, đến năm 2035 Hà Nội phải xây dựng được khoảng 200km ĐSĐT nữa. Đây là mục tiêu và kỳ vọng rất lớn, đòi hỏi TP phải có những giải pháp đột phá, đồng thời nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội, Chính phủ” - ông Nguyễn Cao Minh nói.

Trên thực tế, từ sau khi tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, hiệu quả của ĐSĐT đã được chứng minh rất rõ. ĐSĐT đã tác động tới sự nhìn nhận, đánh giá và ý thức của toàn thể Nhân dân Thủ đô, tạo nên một sự ủng hộ mạnh mẽ, là tiền đề quan trọng để TP tập trung toàn lực đầu tư cho loại hình VTHKCC hiện đại, nhanh, khối lớn này.

Một trong những vấn đề lớn nhất cần giải quyết là nguồn vốn cho các dự án ĐSĐT đắt đỏ đến hàng tỷ đô la. Theo tính toán, nếu xây dựng đủ 10 tuyến ĐSĐT theo quy hoạch, Hà Nội sẽ cần khoảng 37 tỷ USD. Còn nếu đầu tư 14 tuyến với hơn 500km, sẽ tốn kém hơn đáng kể. Chính vì vậy thời gian qua Hà Nội đã tổ chức rất nhiều Hội thảo, lắng nghe và tiếp thu kinh nghiệm, bài học quý báu về phát triển ĐSĐT từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhận định, một trong những yếu tố quan trọng nhất để xây dựng ĐSĐT là nguồn lực tài chính. Mà nguồn lực tài chính lớn nhất là giá trị tăng thêm từ đất đai gắn liền với ĐSĐT, có thể khai thác được thông qua “công cụ” TOD.

TOD là mô hình phát triển đô thị lấy đầu mối giao thông công cộng nhanh, khối lớn làm hạt nhân trung tâm. Nó gắn bó chặt chẽ với sự hình thành mở rộng của hệ thống ĐSĐT.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, TS Vũ Hồng Trường cho rằng, TOD là mô hình phù hợp, là chiến lược then chốt để Hà Nội có thể phát triển ĐSĐT.

Mở đường chính sách

Các chuyên gia cho rằng để có thể xây dựng mô hình TOD vừa tái thiết đô thị, vừa tạo ra nguồn lực đầu tư ĐSĐT, Hà Nội cần một loạt các cơ chế, chính sách mở đường. Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, thành viên Tổ soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) Lê Trung Hiếu chia sẻ: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã định hình rất rõ chính sách phát triển đô thị, đặc biệt là phát triển mô hình TOD, lấy ĐSĐT làm hạt nhân trung tâm.

Điều đó cho thấy TP đang tập trung chuẩn bị cho công cuộc tái thiết đô thị theo mô hình TOD, bắt đầu từ việc đầu tư phát triển ĐSĐT ưu tiên áp dụng mô hình TOD.

“Cụ thể tuyến ĐSĐT số 5 Văn Cao - Hòa Lạc, ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư đã được xác định là tuyến ĐSĐT đầu tiên gắn với các khu vực TOD dọc tuyến” - ông Lê Trung Hiếu cho hay.

Ông Nguyễn Cao Minh cho rằng: “Cần xây dựng cơ chế cho phép UBND TP Hà Nội được chủ động, tự quyết trong việc huy động các nguồn vốn để xây dựng ĐSĐT; thu thuế phí, đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác thương mại tại các khu vực TOD được quy hoạch”.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Viện nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Huy Đông nhấn mạnh, cần phân cấp, ủy quyền cho TP Hà Nội được ban hành các tiêu chí và tiêu chuẩn về đô thị, trình tự thủ tục riêng về điều chỉnh quy hoạch liên quan đến hệ thống ĐSĐT gắn liền với phát triển chỉnh trang đô thị lân cận các nhà ga.

Quốc hội cho phép TP được xác định dự án ĐSĐT gắn liền khu vực TOD lân cận các nhà ga là dự án đầu tư công để kết hợp phát triển, chỉnh trang đô thị và đấu giá đất tạo nguồn thu ngân sách nhằm đầu tư hệ thống Metro. Cho phép TP được phát hành trái phiếu địa phương, trái phiếu công trình hoặc các hình thức huy động vốn hợp pháp khác vượt khung trần nợ công theo từng năm và trong cả giai đoạn đến năm 2035.

“Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 1 dự án ĐSĐT gắn liền với TOD cho toàn bộ kế hoạch xây dựng ĐSĐT; phân cấp ủy quyền cho hai TP phê duyệt và triển khai dự án theo cơ chế áp dụng chung” - ông Đặng Huy Đông nói.

Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội Bùi Thị An chia sẻ, Thủ đô cần phải đột phá, cả về cơ chế tài chính, nhân sự, chính sách, lãnh đạo, chỉ đạo thì mới phát triển được ĐSĐT.

“Trước hết tôi đề nghị Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó có Điều 4 rất cần thiết và hiệu quả. Nó cho phép phủ định những luật, căn cứ không phù hợp với thực tiễn của TP trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả ĐSĐT và TOD” - bà Bùi Thị An nói.

Có thể khẳng định TOD là mô hình phù hợp nhất, mở ra hướng phát triển bền vững cho tái thiết đô thị, ĐSĐT của Hà Nội. Muốn nhanh chóng đưa mô hình TOD vào hiện thực, trước hết TP cần được trao quyền tự quyết, có cơ chế, chính sách phù hợp.

ĐSĐT không chỉ là một loại hình VTHKCC hiện đại giúp giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, nó còn là công cụ để tái cấu trúc đô thị, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy Thủ đô sớm đạt mục tiêu là TP xanh, văn minh, hiện đại và đáng sống.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Điều 4. Áp dụng Luật Thủ đô
1. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó.

Nguồn: kinhtedothi.vn