Chức năng nhiệm vụ Chức năng nhiệm vụ

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 51/2016/QĐ-UBND của ngày 13/12/2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố Hà Nội:

1. Sửa đổi khoản 1, điều 1 như sau:

“1. Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố Hà Nội là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, phát triển đô thị và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố và theo quy định của pháp luật”.

2. Sửa đổi, bổ sung điểm a, khoản 1, điều 2 như sau:

“a. Dự thảo các văn bản phân công, phân cấp và ủy quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở thuộc phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố”.

3. Sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 1, điều 2 như sau:

“b. Dự thảo kế hoạch quy hoạch 05 năm, làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện hàng năm; các chương trình, đề án thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở được Ủy ban nhân dân Thành phố giao

4. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung từ khoản 3 đến khoản 13, điều 2 như sau:

“3. Về quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quản lý kiến trúc, các nhiệm vụ khác:

a. Tổ chức lập, thẩm định, trình phê duyệt các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc; các nhiệm vụ khác... có phạm vi liên quan đến địa bàn từ hai quận, huyện trở lên hoặc các quy hoạch quan trọng do Ủy ban nhân dân Thành phố giao;

b. Thẩm định, phê duyệt hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc dự án đầu tư theo phân cấp, uỷ quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố;

c. Hướng dẫn, tham gia ý kiến góp ý với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, quản lý kiến trúc, các nhiệm vụ khác, tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình thuộc trách nhiệm thẩm định và thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo đề nghị của Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã;

d. Hướng dẫn các chủ đầu tư trong việc tổ chức lập các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, kiến trúc và các nhiệm vụ khác thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân Thành phố;

đ. Hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, các nhiệm vụ khác; các kế hoạch, chương trình, đề án thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở;

e. Quản lý và tổ chức thực hiện các đồ án quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, chương trình phát triển đô thị, các nhiệm vụ khác đã được phê duyệt trên địa bàn Thành phố theo phân cấp, bao gồm: Tổ chức công bố, công khai các quy hoạch; tổ chức cắm mốc giới quy hoạch được duyệt; quản lý hồ sơ các mốc giới, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng và hướng tuyến công trình hạ tầng kỹ thuật; cung cấp thông tin về quy hoạch, kiến trúc; Chương trình phát triển đô thị;

g. Thực hiện các thủ tục về khái toán, dự toán kinh phí, công tác thầu thuộc lĩnh vực quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc, các nhiệm vụ khác theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố.

h. Đề nghị các sở, ngành thành phố; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phối hợp thực hiện các nội dung về quy hoạch kiến trúc, phát triển đô thị, các nhiệm vụ khác. Phối hợp với các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

4. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở theo nhiệm vụ được Thành phố giao:

a. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện hành nghề kiến trúc, kỹ sư quy hoạch đô thị, điều kiện năng lực của các cá nhân và tổ chức tham gia thiết kế quy hoạch xây dựng hạng II và hạng III; về thi tuyển ý tưởng quy hoạch; thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình trên địa bàn Thành phố;

b. Hướng dẫn kiểm tra hoạt động của các tổ chức dịch vụ công thuộc các lĩnh vực quản lý của Sở; quản lý, chỉ đạo hoạt động và việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức sự nghiệp công lập trực thuộc Sở theo quy định của pháp luật.

5. Thực hiện hợp tác quốc tế về các lĩnh vực quản lý của Sở theo quy định của pháp luật, sự phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố.

6. Xây dựng, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống thông tin tư liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của Sở được giao theo quy định của pháp luật.

7. Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở đối với phòng Quản lý đô thị, các quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố.

8. Thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân trong việc thi hành pháp luật thuộc chức năng của Sở, xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở theo quy định của pháp luật hoặc phân công của Ủy ban nhân dân Thành phố.

9. Theo dõi, tổng hợp, thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm và các báo cáo chuyên đề, đột xuất theo chức năng, nhiệm vụ được giao với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Xây dựng và các cơ quan khác có thẩm quyền; thực hiện chế độ báo cáo thống kê tổng hợp ngành theo quy định của Bộ Xây dựng và sự phân công của Ủy ban nhân dân Thành phố.

10. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, viên chức, cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức và lao động thuộc phạm vi quản lý của Sở theo quy định của pháp luật và theo sự phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố.

11. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước được phân bố theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân Thành phố.

12. Tổ chức xét cấp, gia hạn Chứng chỉ hành nghề kiến trúc; Công nhận, chuyển đổi Chứng chỉ hành nghề kiến trúc của người nước ngoài ở Việt Nam.

13. Thực hiện các nhiệm vụ khác về các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành xây dựng theo sự phân công, phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố và theo quy định của pháp luật”.

5. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 3 như sau:

“1. Lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố Hà Nội có Giám đốc và từ 03 đến 04 Phó Giám đốc.”.

6. Sửa đổi, bổ sung điểm a, b, khoản 2, Điều 3 như sau:

“2. Cơ cấu tổ chức:

a. Các phòng, ban chuyên môn: (09 phòng, ban)

- Văn phòng;

- Thanh tra;

- Phòng Kế hoạch tổng hợp;

- Phòng Quản lý Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật;

- Phòng Quản lý Quy hoạch trung tâm thành phố và phụ cận;

- Phòng Quản lý Quy hoạch bắc sông Hồng;

- Phòng Quản lý Quy hoạch nam sông Hồng;

- Phòng Quản lý quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh và khu vực nông thôn;

- Phòng Quản lý cơ sở dữ liệu và thông tin quy hoạch.

Số lượng cấp phó phòng, ban chuyên môn thực hiện theo quy định tại khoản 4, Điều 1, Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

b. Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc: (01 đơn vị)

- Ban Quản lý đồ án Quy hoạch Kiến trúc.

Số lượng cấp phó đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập”.