Quy hoạch chuyên ngành Quy hoạch chuyên ngành

Ứng dụng AI trong kiến trúc và quy hoạch
Ngày đăng 28/11/2024 | 22:44  | Lượt xem: 380

Chiều 28/11, Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức Toạ đàm “Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong kiến trúc và quy hoạch”.

Phát biểu khai mạc toạ đàm, TS. KTS Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch Hội KTS Hà Nội chia sẻ: “Trong thời đại công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo đang trở thành một công nghệ mũi nhọn dẫn dắt các ngành công nghiệp và dịch vụ toàn cầu. Đối với kiến trúc và quy hoạch – lĩnh vực có vai trò quan trọng trong việc định hình không gian sống, quản lý tài nguyên đô thị và phát triển bền vững, AI đã mang lại những bước tiến vượt bậc, thay đổi toàn diện diện mạo quy hoạch, kiến trúc của chúng ta”.

TS. KTS Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch Hội KTS Hà Nội phát biểu

 

Tại Việt Nam, tốc độ đô thị hoá nhanh đặt ra không ít vấn đề cấp bách như làm thế nào để quy hoạch hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng dân số và bảo vệ môi trường; làm sao để ứng dụng công nghệ hiện địa mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá và giá trị lịch sử; và quan trọng hơn là làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa tăng trưởng và phát triển bền vững.

Theo TS. KTS Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch Hội KTS Hà Nội, AI mang lại những giải pháp mới từ mô phỏng dữ liệu lớn để dự đoán xu hướng quy hoạch đến tự động hoá trong thiết kế kiến trúc, và hỗ trợ xây dựng các thành phố thông minh, nơi mà chất lượng sống của con người được đặt lên hàng đầu.

Theo đó, toạ đàm tập trung vào 4 chuyên đề “Tổng quan về AI và ứng dụng trong thiết kế kiến trúc”, “Kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng AI trong các dự án hạ tầng đô thị quy mô lớn và những tiếp cận bước đầu của các công ty tư vấn lớn Việt Nam”, “Kinh nghiệm trong nước về ứng dụng AI trong lập hồ sơ thiết kế xin phép xây dựng và quản lý đô thị - ví dụ thực tiễn tại quận Bình Chánh – TP Hồ Chí Minh”, “Phim tư liệu: Sử dụng công nghệ AI xây dựng tác phẩm: Thăng đường nhập thất”.

Tại toạ đàm, KTS Trịnh Quốc Bảo - Trưởng Bộ phận nghiên cứu và phát triển công nghệ kiến trúc CUBIC – Gradinent Lab chia sẻ: AI có vai trò quan trọng kết nối dữ liệu, kiến thức, hỗ trợ kiểm soát chất lượng đầu ra, tái tạo thành quả lao động. Việc xây dựng AI dựa trên dữ liệu đặc thù của DN là một bước đi chiến lược, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo lợi thế lớn để cạnh tranh; tăng năng suất lao động và giảm chi phí vận hành.

Cụ thể, KTS Trần Vũ Lâm - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kiến trúc Lập phương CUBIC chia sẻ, hiện nay CUBIC đã thiết kế 96 dự án cao tầng tại 16 tỉnh thành, xây dựng 52.600 căn hộ và hơn 8 triệu mét vuông sàn. Trong quá trình làm việc, có những công việc lặp đi lặp lại, đứt gãy dữ liệu, khó tái sử dụng dữ liệu quá khứ cho dự án mới. Nếu có thể ứng dụng AI, máy tính sẽ hỗ trợ giúp chúng tôi chỉ cần làm 1/100 đến 1/1000 thời gian hiện tại.

Tự động hoá quản lý, cấp phép xây dựng

Theo các chuyên gia, hiện nay, việc ứng dụng AI trong quy hoạch, kiến trúc vẫn đang ở bước đầu, chưa có công trình nào hoàn toàn được thiết kế, xây dựng bằng AI. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI trong quy hoạch, kiến trúc ở Việt Nam đã bước đầu có những sản phẩm cụ thể. Đơn cử, Công ty TNHH dịch vụ giải pháp SOS đã xây dựng AI trong quản lý, cấp phép xây dựng.

Quanh cảnh buổi toạ đàm

 

Theo Giám đốc Công ty công nghệ SOS Hoàng Anh, AI có thể tự động hoá quy trình thiết ký và quản lý nhà mẫu; tăng tốc độ, giảm chi phí và nâng cao độ chính xác. Cụ thể, từ bước đầu tiên lựa chọn dịch vụ SmartCity cấp phép xây dựng, người dân sẽ nhập thông tin sổ đỏ (sổ đổ, số tờ, số thửa, vị trí xin phép xây dựng và mẫu nhà), AI sẽ tự động tạo bản vẽ thiết kế dựa trên mẫu nhà và yêu cầu của người dân, tạo bộ hồ sơ xin phép và nộp vào cổng dịch vụ công. Bước tiếp theo, AI sẽ tạo lập mô hình không gian kiến trúc, hồ sơ thiết kế thi công và dự toán xây dựng công trình gắn liền giải pháp thực thi. Sau đó, hệ thống kiểm tra, xử lý tự động bộ tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng và xuất bộ hồ sơ cấp phép xây dựng, ký chữ ký số và trả kết quả tự động tới chủ đầu tư. AI sẽ quản lý và giám sát hoạt động xây dựng, đảm bảo tuân thủ quy định.

Tại toạ đàm, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về tính thực tế, tốc độ xử lý của AI trong quản lý, cấp phép xây dựng. Giám đốc Công ty công nghệ SOS Hoàng Anh cho biết: “Năm nay, SOS đã triển khai thí điểm, chụp ảnh bằng thiết bị không người lái trên địa bàn 2 phương Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (quận Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) với quy mô 22km, phát hiện ra gần 20.000 vi phạm so với quy hoạch, giấy phép xây dựng. Trung bình mỗi cây số hơn 1.000 vi phạm”.

Hiện nay việc ứng dụng BIM (Building Information Modeling) là một quy trình tiên tiến được ứng dụng trong ngành xây dựng dựa trên các mô hình 3D kỹ thuật số được sử dụng xuyên suốt vòng đời của một dự án thiết kế, hạ tầng và xây dựng đã được ứng dụng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Đơn cử tại Hồng Kông, ông Hoàng Anh Tuấn - đại diện Vircon Hồng Kông tại Việt Nam cho biết: Việc áp dụng BIM có thể giảm chi phí từ vận hành đến khai thác 34%. Đơn cử, với dự án đường hầm Wanchai (Hồng Kông), việc ứng dụng BIM trong thi công đã giúp giảm thời gian lưu thông từ 30 phút còn 5 phút; có nhà máy lọc khí riêng, công suất 5,4 triệu m3 khí/giờ, xử lý 80% bụi ô nhiễm; giảm thải CO2 11.000 tấn/năm. Hay việc ứng dụng BIM trong dự án mở rộng sân bay Hồng Kông đã giúp giảm thời gian triển khai chỉ bằng 40% thời gian truyền thống.