TIn nổi bật TIn nổi bật

Lãnh đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc tham gia giảng dạy tại Khóa bồi dưỡng kinh nghiệm quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư xây dựng phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
Publish date 26/08/2024 | 16:03  | View Count: 522

Sáng ngày 21/8/2024, đồng chí Phạm Quốc Tuyến-Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã tiếp tục tham gia trao đổi chuyên đề “Trao đổi một số nội dung cơ bản của đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065-Giải pháp thực hiện và tổ chức quy hoạch” tại Lớp bồi dưỡng kinh nghiệm quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư xây dựng phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại K2-2024. Bài giảng tập trung vào một số nội dung:

Đồng chí Phạm Quốc Tuyến-Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc  tham gia trao đổi tại buổi Giảng

 

I. Tổng quan về quy hoạch Hà Nội:

Từ năm 1954 đến 2022,  thủ đô Hà Nội có 7 lần nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, với 5 lần được duyệt chính thức (1962, 1982, 1992, 1998, 2011). Trong đó các lần gần đây nhất:

Quy hoạch chung TP Hà Nội 1998 được Phê duyệt  tại Quyết định: 108/QĐ-TTg 20/6/1998.  Hình thái phát triển là chùm đô thị (Đô thị trung tâm và vệ tinh), lấy sông Hồng làm bố cục trung tâm phát triển đồng đều hai bên; Bố cục qui hoạch: Lấy trung tâm Hoàn Kiếm, Ba Đình làm trung tâm để bố cục qui hoạch với những trục hướng tâm, xuyên tâm kết hợp các đường vành đai. Dân số: 2,5 triệu người; Đất đai: 25.000ha; Đô thị: 100m2/người.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt  tại Quyết định: 1259/QĐ-TTg 26/7/2011 (QHC 2011) theo cấu trúc chùm đô thị gồm: Đô thị trung tâm; 5 đô thị vệ tinh; 3 đô thị sinh thái; 10 thị trấn. Kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Hành lang xanh (70%) phân cách đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, các thị trấn.

II. Đánh giá thực hiện QHC 2011.

1- Việc triển khai  lập các quy hoạch:

Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt 08 Quy hoạch chuyên ngành HTKT; 05 Quy hoạch chung đô thị vệ tinh; 14 Quy hoạch chung xây dựng huyện; 38/38 Quy hoạch phân khu đô thị (cấp 1) và 18/29 Quy hoạch phân khu đô thị (cấp 1).

2- Thực trạng phát triển đô thị trung tâm:

Tính chất chức năng: các chức năng chính vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực Nội đô lịch sử, hút lượng lao động di chuyển thường xuyên vào nội đô rất lớn. Các trung tâm phân tán bên ngoài chưa hình thành theo quy hoạch;

Số lượng: Quy mô dân số, khách du lịch tập trung chủ yếu tại khu vực các quận vành đai 3 gồm Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy với mật độ dân số rất cao, gây áp lực quá tải về hạ tầng.

Chất lượng: Cơ sở hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, nhưng chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số, dẫn tới quá tải cơ sở hạ tầng xã hội, chỉ tiêu thấp so với quy chuẩn. Các khu đô thị chưa hình thành đồng bộ dẫn tới thiếu và quá tải theo các khu vực rất lớn.

Hạ tầng và môi trường: đã có sự đầu tư phát triển đáng kể trong thời gian qua, tuy nhiên các vấn đề ách tắc giao thông, ngập lụt đô thị, mất điện, mất nước vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt chất lượng môi trường bị ô nhiễm đô thị bị ô nhiễm nghiêm trọng.

2- Thực trạng phát triển đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh:

Khu vực nội đô mở rộng: Phát triển đô thị hóa nhanh và mạnh tập trung tại các quận vành đai mở rộng: Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh…đã hình thành nhiều khu đô thị mới. Đã hình thành các không gian phát triển mới hiện đại, các khu đô thị với các dịch vụ tiện ích đồng bộ, văn minh, hiện đại; các khu đô thị sinh thái xanh…. Tuy nhiên còn tình trạng tắc nghẽn giao thông, úng ngập, thiếu không gian Xanh – Không gian công cộng, kinh doanh dịch vụ lấn chiếm không gian công cộng; nhiều dự án chậm triển khai…

Khu vực đô thị vệ tinh, thị trấn: Tốc độ phát triển mở rộng các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái khá chậm, chưa theo quy hoạch, chủ yếu là các khu dân cư mở rộng; chưa có các dự án động lực hình thành, thiếu nguồn lực đầu tư, thiếu chỉ đạo phát triển tập trung, thiếu giao thông kết nối;

Khu vực điểm dân cư nông thôn trong hành lang xanh: Tiếp tục phát triển mở rộng, lan tỏa từ các khu vực dân cư hiện hữu, nhưng còn những tồn tại về chất lượng hạ tầng xã hội, không gian xây dựng so với tiêu chí đô thị; nhiều tồn tại về hạ tầng kỹ thuật, môi trường.

3- Tồn tại, hạn chế:

(1) Tỷ lệ đô thị hoá vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.

(2) Quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo. Việc quản lý, kiểm soát dân số tại khu vực Đô thị trung tâm và giãn dãn dân nội đô gặp nhiều khó khăn.

(3) Mô hình phát triển chùm đô thị chưa đạt được yêu cầu. Phát triển đô thị chưa đồng đều và chưa tương xứng với tiềm năng. Tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm.

(4) Công tác di dời theo định hướng QHC và Quyết định 130 chưa bảo đảm tiến độ. Ảnh hưởng đến quỹ đất bàn giao cho Thành phố sau khi di dời để bổ sung hệ thống HTXH, HTKT còn thiếu cho khu vực. Công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ gặp nhiều khó khăn vướng mắc.

(5) Phát triển đô thị còn phân tán, chưa đồng bộ. Các khu đô thị mới phát triển nhanh song còn chưa cân đối giữa phát triển mới với tái thiết. Phát triển hạ tầng kinh tế (các khu, CCN, làng nghề, TTTM, chợ, khu du lịch,...) và HTXH chưa theo kịp định hướng quy hoạch, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

 (6) Kết cấu hạ tầng đô thị chưa đồng bộ, chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị hiện đại. Tiến độ đầu tư kết cấu giao thông còn chậm. Tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng chưa đạt kế hoạch. Tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng đô thị còn chưa cao; Hạ tầng giao thông phục vụ kết nối liên vùng chưa được đầu tư đúng mức. Tốc độ phát triển hạ tầng giao thông vận tải chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị.

 (7) Công tác đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống HTKT khung; Tiến độ triển khai một số dự án HTKT thiết yếu còn chậm.

4- Các vấn đề cần nghiên cứu của đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

(1) Nghiên cứu, dự báo phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực đầu tư phát triển và đặc biệt là tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển Thủ đô Hà Nội.

(2) Nghiên cứu, rà soát, định hình lại các chỉ tiêu về dân số, mật độ cư trú và phân bổ dân số phù hợp với tình hình thực tiễn triển khai.

(3) Nghiên cứu lại mô hình cấu trúc đô thị để điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng khả năng phát triển mô hình “Thành phố trong Thành phố”.

(4) Nghiên cứu hoàn chỉnh, tái cấu trúc không gian chức năng, hạ tầng khu vực đô thị trung tâm trong chùm đô thị Thủ đô và chùm hệ thống đô thị trong Vùng Thủ đô.

(5) Nghiên cứu quy hoạch xây dựng - phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội tại khu vực huyện dự kiến thành quận giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo, gắn với phát triển đô thị xanh, bền vững hai bên trục đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, tạo không gian chuyển tiếp giữa khu vực đô thị và nông thôn.

(6) Xem xét xác định lại tỷ trọng cơ cấu khu vực đất phát triển đô thị và nông thôn.

(7) Rà soát để xác định lại mô hình và lộ trình phát triển các đô thị vệ tinh (ĐTVT) để có kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên, trên cơ sở đó điều chỉnh quy mô quy hoạch (diện tích, dân số) đối với các đô thị ưu tiên phát triển nhằm đáp ứng các tiêu chí đơn vị hành chính cấp thành phố thuộc thành phố Hà Nội.

(8) Phát triển đô thị gắn với định hướng phát triển giao thông (TOD) nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, hiệu quả đầu tư, hiệu quả hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn và quản lý việc phát triển dọc các tuyến giao thông chính hiện nay.

(9) Nghiên cứu hoàn chỉnh kết cấu đồng bộ hạ tầng giao thông đô thị.

(10) Nghiên cứu, đánh giá, dự báo các nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của Thủ đô.

III. Các nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô.

Thống nhất và đồng bộ với nghiên cứu Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Điều chỉnh dự báo phát triển dân số, lao động, phát triển kinh tế - xã hội.

Kế thừa và điều chỉnh mô hình cấu trúc phát triển, các định hướng chiến lược của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011.

Đề xuất các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian.

Điều chỉnh, bổ sung các giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung.

IV. Các nội dung nghiên cứu triển khai sau đồ án quy hoạch chung.

(1) - Điều chỉnh QHC thị xã, đô thị vệ tinh (nếu có nội dung điều chỉnh); Lập mới hoăc Điều chỉnh QHPK đô thị đối với đô thị trung tâm; Lập mới hoặc điều chỉnh các QHPK tại các đô thị vệ tinh.

(2) - Lập Quy hoạch vùng huyện; Lập mới hoăc Điều chỉnh QHC xã; Lập mới hoăc Điều chỉnh QHCT điểm dân cư nông thôn, các chức năng khác trên địa bàn xã.

(3) - Lập Quy hoạch chung các khu chức năng; QHPK các khu chức năng; Lập QHCT các khu chức năng.

(4) - Lập chương trình PTĐT toàn Thành phố, thị xã, thị trấn; Báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị (phục vụ nâng cấp đô thị - TP – Thị xã, Thị trấn)

(5) - Lập Quy chế quản lý kiến trúc toàn Thành phố; Lập quy chế QL kiến trúc điểm dân cư nông thôn.

Trách nhiệm tổ chức lập: UBND Thành phố giao UBND cấp huyện, các sở ngành tổ chức lập các đồ án QH thuộc trách nhiệm lập của UBND Thành phố. UBND cấp huyện tổ chức lập các QH thuộc trách nhiệm của mình. Cụ thể được phân cấp trong Quyết định số 38/2023/QĐ-UBND.